News

Lúa bệ ở Kiên Giang là thứ lúa gì mà làm ra loại gạo sạch nghe tên là khối người muốn mua?

Nằm bên dòng sông Cái Lớn hiền hòa, bao năm chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đất cù lao Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) quê tôi thêm xanh mướt. Ngoài những hàng dừa nước bao bọc quanh dãy cù lao còn có những liếp khóm nối liền nhau, thẳng tắp vươn xanh, theo các liếp khóm là những bệ lúa mùa tốt tươi...
Những bệ lúa mùa ấy không chỉ là nguồn lương thực nuôi lớn bao người con sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao này mà còn nuôi dưỡng tâm hồn với bao kỷ niệm thân thương. Những lão nông quê tôi thường kể về thuở mới đặt chân lên vùng đất cù lao này. Thuở trước, nơi đây đất phèn mặn, trồng đủ loại cây mà không có cây nào hợp đất, hợp nước đến khi bén duyên với cây khóm, từ đó hầu hết diện tích đất ở quê tôi đều lên liếp trồng khóm. Quanh các liếp khóm là phần đất được rửa phèn tốt nhất, người dân tận dụng phần đất ít ỏi đó để cấy lúa mùa. Ngoài việc có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên nơi đây, trồng lúa mùa còn tiết kiệm thời gian và công chăm sóc. Khác với trồng lúa trên ruộng là sạ trực tiếp lúa giống, người dân ươm lúa giống đến khi lúa cao hơn gang tay người lớn bắt đầu nhổ đem đi cấy. Gia đình tôi mấy đời gắn bó với vùng đất này, từ thuở thiếu thời, cha tôi đã biết làm nọc đi cấy lúa. Những chỗ đất mềm chỉ cần dùi lúa bằng tay, còn những chỗ đất cứng phải dùng nọc cấy. Vào mùa cấy lúa, từ sáng sớm người dân nhóm lửa nấu cơm, chuẩn bị đem đi ruộng. Cơm đem đi ruộng là cơm trắng được nấu bằng gạo lúa mùa cấy bệ ngọt ngon, độ dẻo vừa phải cùng tô mắm chưng với nắm rau đồng. Những hạt gạo của vụ mùa trước được trữ ăn dần đến mùa sau. Việc cấy lúa được người dân làm vần công cho nhau. Khi nhổ mạ, cấy lúa mệt mọi người cùng nhau ăn bữa cơm đạm bạc trên đồng, mọi thứ đơn giản, mộc mạc nhưng quý báu bởi tình nghĩa xóm giềng gắn niềm vui lao động và hy vọng về những vụ mùa bội thu trên quê hương xứ cù lao. Trồng lúa mùa cấy bệ tuy cực công đi cấy nhưng cấy xong không cần chăm sóc, bón phân; cấy vào thời gian giữa năm khi đang vào mùa mưa, sau khoảng 5-6 tháng, thời điểm gần cuối năm là lúa chín. Vào mùa thu hoạch, quê tôi rộn ràng hơn bởi thời gian thu hoạch lúa bệ giáp tết, không khí náo nhiệt của mùa thu hoạch lúa xen lẫn không khí của những ngày cuối năm làm cho lòng người nôn nao, phấn khởi. Mặc dù chỉ trồng quanh liếp khóm nhưng lúa vẫn quằn bông. Những chiếc xuồng lần theo bệ để gặt lúa, chất lên xuồng chuyển ra chỗ máy suốt lúa. Lúa làm ra không chỉ là nguồn lương thực dự trữ trong nhà mà còn để bán có tiền xài tết. Đám con nít chúng tôi thích nhất vào mùa gặt lúa bệ, sau khi suốt lúa xong lúc nào cũng có những đống rơm to đùng để chúng tôi vui đùa, nghịch ngợm. Tôi thích nhất trò nhún nhảy trên rơm rồi nằm vùi trong lớp rơm mềm mại, ngửi mùi rơm mới nồng nồng, thơm thơm ấy rất đặc biệt. Vì lúa bệ được trồng quanh liếp khóm, nước thoát nhanh lại thêm thu hoạch vào mùa khô nên rơm rạ vừa suốt xong đã khô ráo, dùng nhóm lửa nướng cá được ngay. Vì rơm bắt lửa tốt, cháy nhanh và đều nên chỉ cần phủ mớ rơm lên rồi mồi lửa là chẳng mấy chốc cá chín đều, mùi vảy cá quyện mùi rơm càng thơm hơn. Sau mỗi lần thu hoạch lúa, người dân quê tôi thường chuẩn bị mâm cơm cúng tạ ơn trời đất và cầu cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Bên mâm cơm đầm ấm, mọi người rôm rả chuyện trò, ông bà, cha mẹ nhắc con cháu về những điều đáng quý. Hạt lúa xay thành gạo, gạo nấu thành cơm, những chén cơm thấm đẫm hương vị của quê nhà, vị mặn ngọt của phù sa trên dòng sông Cái Lớn vun bồi cho mảnh đất cù lao quê tôi. Để có được chén cơm dẻo thơm, ngon ngọt là cả quá trình quan sát, sáng tạo của những bậc tiền nhân khi đặt chân lên vùng đất phèn chua, nước mặn này. Ngày nay, sản phẩm gạo sạch từ lúa bệ còn là niềm tự hào của người dân khi lần lượt được công nhận là sản phẩm sạch. Cùng với cây khóm, gạo từ lúa cấy bệ là một trong những sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phước A. Việc tạo thương hiệu cho gạo lúa bệ không chỉ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của vùng mà còn tạo động lực cho người dân canh tác khóm - lúa, tôm - dừa kết hợp. Từ trong khó khăn, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân quê tôi vẫn không ngừng lao động, sáng tạo để biến khó khăn thành thuận lợi, thành nét đặc trưng cho quê nhà. Mùa thu hoạch lúa qua đi, người dân ươm lúa giống cho mùa mới. Những hạt lúa giống nảy mầm, vươn lên nối tiếp cho những mùa lúa bệ mới trên mảnh đất cù lao quê tôi ngát xanh, tươi tốt, để mỗi năm một mùa lúa bệ lại ghi thêm bao kỷ niệm ngọt ngào, êm đẹp vào dòng ký ức của bao người con đất cù lao.